Nguyễn Du và Truyện Kiều trong văn đàn Việt Nam và thế giới

Nguyễn Du và Truyện Kiều trong văn đàn Việt Nam và thế giới

Thưa quý khách!
Tập thơ bất hủ Đoạn trường tân thanh hay còn gọi là Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong số ít những tác phẩm lớn của dân tộc cũng như trên thế giới mà từ xưa đến nay được đông đảo người dân yêu thích. Từ các bậc vua chúa, tri thức, học giả, giáo sư, sinh viên, học sinh cho đến những người dân thường cũng học thuộc lòng và cảm thấy thích thú.
Từ chỗ ai ai cũng thích Kiều, đọc Kiều và nghe Kiều, cho nên nhiều nhà khắc ván đã tiến hành khắc in truyện Kiều. Truyện Kiều bằng chữ Nôm phổ biến hai bản gọi là bản kinh và bản phường. Bản phường là bản của Phạm Quý Thích sửa lại một số câu trong bản thảo của Nguyễn Du khi Nguyễn Du đưa cho Phạm Quý Thích xem, sau khi sửa xong Phạm Quý Thích đã cho tiến hành khắc in, bản kinh là bản do vua Tự Đức sửa chữa và cho khắc in), những loại hình văn hóa xoay quanh truyện Kiều cũng ra đời như: Bình Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều và đặc biệt hơn là bói Kiều. Truyện Kiều được đưa lên sân khấu với các vở tuồng, chèo, cải lương và gần đây là hợp xướng truyện Kiều. 
Từ khi ra đời đến nay truyện Kiều đã làm tốn không biết bảo nhiêu thời gian, giấy mực của các nhà nghiên cứu, những người yêu thích truyện trong nước và trên thế giới. Vậy nhưng, Truyện Kiều được viết ra vào thời gian nào vẫn còn là một ẩn số.
Đã có rất nhiều tài liệu, sách báo viết những nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Bộ sách được trưng bày, lưu giữ tại di tích tập hợp hàng trăm nghìn bài viết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về Nguyễn Du và Truyện Kiều qua các thời kỳ với kích thước khác nhau để ngợi ca, tôn vinh kiệt tác Truyện Kiều và Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.