Sắc phong của vua Khải Định tặng Nguyễn Nghiễm là “Thượng đẳng tôn thần”

Sắc phong của vua Khải Định tặng Nguyễn Nghiễm là “Thượng đẳng tôn thần”

Thưa Quý khách!
Nguyễn Nghiễm (đời thứ 6 họ Nguyễn - Tiên Điền) - là thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ sinh năm 1708, mất năm 1776; năm 16 tuổi đỗ Hương Cống; năm 24 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Tân Hợi (1731). Cụ chính là người phát dương cho con đường học hành khoa bảng và thành danh của các danh nhân họ Nguyễn - Tiên Điền. 
Con đường công danh của Nguyễn Nghiễm khá hanh thông, khởi đầu ông giữ chức quan văn tại triều cho đến chức Tham Tụng (Tể tướng). Kể từ khi giữ chức quan văn trong triều Lê cho đến khi giữ chức Thượng thư ở bộ (do vua Lê điều hành) và vừa giữ chức Tham Tụng trong phủ Chúa Trịnh, ông đã kết hợp một cách hài hoà giữa ba đời vua nhà Lê (Thuần Tông, Ý Tông và Hiển Tông) với thực quyền của ba vị Chúa Trịnh (Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm) để thực thi những công vụ hành chính của mình một cách thành công.
Ngoài tư chất của một viên quan mẫu mực, Nguyễn Nghiễm còn là một nhà sử học có tầm cỡ, được liệt vào trong số một trong số ít nhà sử học danh tiếng nhất thời Trung đại của đất nước, kể từ Sử Hy Nhan cho đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Cụ được vua Khải Định ban tặng sắc phong “thượng đẳng tôn thần”. Sắc phong làm từ giấy dó, phía trên có hoạ tiết hình rồng uốn lượn trong mây trời. 
Sắc phong thần là văn bản truyền mệnh lệnh của nhà vua phong cho các vị thần được thờ tại đình, chùa, miếu, mạo…trong tín ngưỡng. Đây là một trong những cổ vật rất có giá trị được trưng bày tại di tích Nguyễn Du. Các vị thần được phong tặng có thể là thiên thần hoặc các nhân vật lịch sử có công với nước. 
Thưa quý khách! Không chỉ được nhà vua coi trọng, cụ Nguyễn Nghiễm còn được lòng bá quan văn võ trong triều bởi sự gần gũi, mộc mạc luôn quan tâm được mọi người. Sự yên mến của quần thần được thể hiện qua đối câu đối đặc biệt mà quý khách xem ngay sau đây.