Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du

Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du

Thưa quý khách!
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại Thăng Long, cha là Nguyễn Nghiễm làm quan Tể tướng, mẹ là bà Trần Thị Tần người làng Hoa Thiều, huyện Đồng Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thành phố Từ Sơn). Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Du theo cha về quê. Năm 13 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Trong những năm binh biến, loạn lạc Nguyễn Du lánh nạn về nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình. Năm Tân Hợi (1791), Nguyễn Quýnh, anh thứ 4 cùng cha khác mẹ chống lại Tây Sơn bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền bị xóa. Sau “Mười năm gió bụi” cơ hàn, bần cực ở quê vợ, Nguyễn Du cùng con trai là Nguyễn Tứ về quê ở Tiên Điền. Dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngả, Nguyễn Du được bà con họ tộc nhường cho mảnh đất làm nhà ở tại thôn Thuận Mỹ. Từ đây, Nguyễn Du có biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ” (phường săn núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (nhà chài bể Nam).
Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du định trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận bắt giam rồi tha về. Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long lên ngôi, tháng 8 năm đó Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam; tháng 11 được bổ làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam; Mùa Thu năm Giáp Tý (1804), cụ cáo bệnh về quê; Mùa Xuân năm Ất Sửu (1805), vua Gia Long triệu vào kinh, được thăng Đông các điện học sĩ (hàm ngũ phẩm), tước Du Đức hầu; Năm 1809, Nguyễn Du giữ chức Cai bạ Quảng Bình; Tháng 2 năm Quý Dậu (1813) có chỉ triệu về kinh, được thăng hàm Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc; Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục”, được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ (hàm Tam phẩm) và tước Du đức hầu. Tháng 8 năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì bị cảm bệnh. Cụ mất tại kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8 (16/9/1820), hưởng thọ 55 tuổi. 
 Nguyễn Du đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm văn chương bằng chữ Hán  như Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tập Ngâm, Bắc Hành Tạp Lục và chữ Nôm như Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón... đặc biệt là kiệt tác truyện Kiều bất hủ - một tác phẩm văn học của nhân loại đã đưa tên tuổi của ông trở thành Danh nhân văn hóa Thế giới.
Tiếp theo đây, mời quý khách cùng tham quan những hiện vật gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du, qua đó thêm hiểu hơn về cuộc đời của Đại thi hào dân tộc.